fbpx

Hosting là gì? Chọn Hosting như thế nào để vừa tối ưu chi phí vừa đảm bảo vận hành hệ thống online cho doanh nghiệp?

Hosting là dịch vụ trực tuyến lưu trữ và chứa tất cả các tệp tin dữ liệu của website như: bài viết, hình ảnh, video, mã nguồn… Không website nào có thể hoạt động mà không được gắn kết với một dịch vụ hosting nào đó. Nhưng đây cũng là vấn đề mà hấu hết các chủ doanh nghiệp, những chủ cửa hàng không nắm rõ cũng như rất ít kinh nghiệm, thường được giao cho… người quen, nhân viên xử lý.

Trước hết, Chân Trời Tương Lai sẽ giải thích các khai niệm, sau đó sẽ đến các tư vấn hữu ích khi chọn lựa hosting cho doanh nghiệp!

Hosting là gì? Hosting khác gì với tên miền?

Hosting là nơi chứa tất cả các tệp tin dữ liệu của website như: bài viết, hình ảnh, video, mã nguồn (Source code)… Hosting có thể nằm tại nhà của bạn, công ty của bạn (Local Hosting), hoặc nằm trên các máy chủ trên “mây”, mà chúng ta còn gọi là Cloud Hosting.

Ví von, Hosting giống như một-căn-nhà, còn hình ảnh, video, sản phẩm trên website của bạn sẽ là các cái bàn, cái ghế, cái khung tranh, món hàng hoá,… nằm trong nhà. Như vầy thật dễ hiểu đúng không?

Ở khía cạnh kỹ thuật, bạn có thể hiểu Hosting là một máy chủ – giống như máy tính vật lý chạy xuyên suốt để website của bạn có thể luôn hoạt động mọi lúc cho tất cả mọi người có thể truy cập vào.

Ví dụ phải có hosting thì những website như Chân Trời Tương Lai mới có thể vận hành & bạn mới có thể truy cập vào và đọc những hướng dẫn như thế này.

Tên miền (Domain) và Hosting là 2 sản phẩm hoàn toàn khác nhau. Nhưng phải cần cả 2 thì bạn mới có thể làm website:

  • Hosting: Là “căn nhà”, nơi chứa “đồ đạc-hàng hoá” là dữ liệu của bạn, bạn phải bỏ tiền thuê theo tháng/năm hoặc mua đứt luôn (Tôi sẽ đề cập đến Server – Máy chủ ở cuối bài viết)
  • Domain: Địa chỉ để người khác truy cập vào website của bạn, bạn phải bỏ tiền mua theo năm (nhiều năm) và địa chỉ này chỉ có thể sở hữu bởi DUY NHẤT MỘT NGƯỜI/TỔ CHỨC, và không ai có thể lấy lại nó nếu bạn đã mua và đăng ký theo đúng quy trình.

Nếu không có tên miền thì sẽ không có cách nào để tìm ra website và ngược lại nếu không có hosting, thì bạn không có nơi để lưu trữ dữ liệu, và website sẽ không chạy được.

Hosting hoạt động như thế nào?

Bản chất hosting là những bộ máy đã được lập trình sẵn, nên cách hoạt động của nó hầu như đã có hướng dẫn sử dụng trên mạng.

Sau khi bạn thuê hosting, bạn sẽ truy cập vào được khu vực quản lý của hosting đó. Các bạn tham khảo các giao diện Hosting mà Chân Trời Tương Lai đã và đang sử dụng, triển khai cho các khách hàng tại công ty:

Giao diện trang quản trị Hosting Direct Admin “cây nhà lá vườn” của Chân Trời Tương Lai
Hoặc giao diện Trang quản trị Hosting của Hostinger mà Chân Trời Tương Lai đang sử dụng trong nội bộ
Giao diện VPS/Hosting sử dụng Plesk Panel đang được Chân Trời Tương Lai Triển khai cho các đối tác

Mỗi một hosting sẽ có các giao diện quản trị khác nhau, và tuỳ thuộc vào kiến thức, cũng như thói quen của kỹ thuật viên – mà họ sẽ chọn Hosting phù hợp với kỹ năng của mình.

Các loại hosting phổ biến hiện nay

Các nhà cung cấp web hosting phổ biến nhất hiện nay đều có rất nhiều loại hosting đáp ứng nhiều mục đích của người dùng cơ bản lẫn nâng cao. Như đã đề cập ở trên, việc chọn lựa hosting hiện nay tại các DOANH NGHIỆP PHỤ THUỘC RẤT NHIỀU VÀO ĐỘI NGŨ PHỤ TRÁCH HẠ TẦNG IT TẠI DOANH NGHIỆP, điều này vô hình chung dẫn đến các chi phí cao hơn mức nhu cầu hiện có của doanh nghiệp.

Xem thêm về cách quản lý tài nguyên máy chủ tại doanh nghiệp để tối ưu ngân sách cho hạ tầng IT.

Các loại hosting thông dụng nhất là:

1) Shared Hosting: Phổ biến nhất & bạn có thể bắt đầu với loại này.

Shared Hosting có thể được hiểu là một gói dịch vụ của web hosting nơi có nhiều website nằm trong một web server được kết nối với internet.

Ngoài ra, bạn cũng có thể hiểu rằng nhà cung cấp hosting sẽ chia nhỏ tài nguyên được đặt trong trung tâm dữ liệu của máy chủ để phục vụ cho nhiều người dùng cùng lúc.

  • Ưu điểm: Phù hợp với website nhỏ, ít thông tin;
  • Nhược điểm: Có thể bị chậm trong giờ cao điểm, không phù hợp với các website bán hàng, nhiều thông tin, nhiều sản phẩm

2) WordPress Hosting: Cũng tương đối phổ biến cho người làm website bằng WordPress

Tương tự như Shared Hosting, nhưng WordPress Hosting được tối ưu dành riêng cho website WordPress để mang lại những trải nghiệm tốt nhất với các website sử dụng WordPress làm nền tảng phát triển.

  • Ưu điểm: Phù hợp với website tin tức, bán hàng nhỏ thiết kế bằng WordPress;
  • Nhược điểm: Không phù hợp với các Open-source (Mã nguồn mở phát triển) khác; sức mạnh phần cứng không quá vượt trội so với Shared Hosting (Vì bản chất vẫn là Shared-Hosting được tối ưu cho WordPress)

3) VPS: Máy chủ ảo, mạnh mẽ hơn shared hosting, nhưng không dành cho người mới.

VPS là viết tắt của Virtual Private Server (máy chủ riêng ảo). Một VPS cũng giống như shared host, tức là có nhiều VPS được đặt trên cùng một máy chủ vật lý, phục vụ nhu cầu của các website lớn, tuy nhiên giá thành mua VPS lại cao hơn so với shared host.

Giá thành của máy chủ ảo VPS cao hơn so với shared host là do các gói shared host đều được chia sẻ tài nguyên từ một máy chủ vật lý với tài nguyên cho phép rất thấp.

Khác với Hosting thường được bán kèm với Panel (Như một trang quản trị dành hệ thống website), VPS thường không bán kèm với panel quản lý, chính vì vậy đòi hỏi chuyên môn cũng như chi phí để quản lý và vận hành.

  • Ưu điểm: Phù hợp với website bán hàng trung bình; Chạy được nhiều ngôn ngữ, Open-source; tài nguyên được phân bổ dành riêng cho bạn.
  • Nhược điểm: Không phù hợp với người chưa có kinh nghiệm; chi phí thuê hoặc mua panel quản lý cao;

4) Dedicated Server: Máy chủ riêng biệt, mạnh mẽ hơn VPS, bạn quản trị gần như mọi thứ liên quan đến tài nguyên IT. Đây là mức quản lý có thể xem là cao nhất với các doanh nghiệp không chuyên về mảng công nghệ thông tin.

  • Ưu điểm: Có khả năng nâng cấp và mở rộng không giới hạn tuỳ theo nhu cầu của hệ thống hạ tầng tại công ty.
  • Nhược điểm: Đòi hỏi khâu quản lý nghiêm ngặt, chi tiết và hiểu rõ về cấu trúc và bộ máy CNTT tại doanh nghiệp.

Với người mới, để có thể bắt đầu tự làm một website mà không gặp nhiều khó khăn về thao tác kỹ thuật thì nên bắt đầu với Shared Hosting.

Shared host có nghĩa là máy chủ chính sẽ được chia làm nhiều cụm tài nguyên, bạn sẽ sở hữu 1 cụm tài nguyên đó, còn những cụm khác sẽ dành cho những khách hàng khác.

Khi website của bạn phát triển qua thời gian, có lượng dữ liệu trên site lớn và lượng traffic cao thì bạn cần hosting có băng thông lớn hơn. Hoặc khi phát sinh thu nhập khủng có thể cân nhắc chuyển qua dùng VPS hoặc Dedicated Server.

Hosting trả phí & hosting miễn phí: Nên dùng loại nào?

Sau khi hiểu rõ về các loại hosting, câu hỏi lúc này sẽ là: Nên sử dụng hosting nào và chi phí cho hosting sẽ chiếm tỉ trọng như thế nào trong ngân sách dành cho CNTT tại doanh nghiệp?

Có thể nhiều bạn thắc mắc, tại sao không sử dụng hosting miễn phí (Giá 0đ) như 000webhost mà phải sử dụng các gói Hosting trả phí hoặc VPS/Dedicated Server đắt đỏ?

Bạn nên lưu ý rằng, hosting miễn phí thì có vô vàn những nhược điểm:

  • Cấu hình rất thấp: Đồng nghĩa website của bạn chạy sẽ vô cùng chậm chạp do tài nguyên được cấp phát hạn hẹp và được chia sẻ cho hàng trăm, hàng ngàn người (cũng sử dụng miễn phí giống như bạn)
  • Không được hỗ trợ khi có sự cố: Nếu bạn gặp trục trặc gì sẽ phải tự chịu hoặc tự xử lý, vì đây là dịch vụ miễn phí nên các đơn vị cung cấp cũng sẽ không phân bổ nhân sự để hỗ trợ được.
  • Yêu cầu bạn nâng cấp hoặc áp đặt thời gian dùng miễn phí: Nhiều khi nhà cung cấp tự gây ra các khó chịu trên, yêu cầu bạn phải nâng cấp để sử dụng tiếp; không có bữa ăn ngon nào mà miễn phí cả, chính vì vậy hãy luôn chuẩn bị tâm lý khi một ngày “đẹp trời” nhà cung cấp kết thúc gói Hosting miễn phí vì một nguyên nhân lãng xẹt nào đó.

Kết luận

Website cũng giống như “ngôi nhà” của bạn trên thế giới Internet. Chính vì vậy hãy luôn luôn sáng suốt để lựa chọn nền móng tốt nhất để từ đó xây dựng thương hiệu và doanh nghiệp của bạn đi xa và phát triển hơn nữa. Hy vọng bài viết đã giúp bạn hình dung và hiểu rõ tường tận về khái niệm hosting, cách thức hoạt động của nó cùng 1 số lời khuyên hữu ích. Nếu có bất cứ thắc mắc nào, hãy đặt câu hỏi dưới mục bình luận nhé.

Mục tiêu thành lập và xây dựng với sứ mệnh mang lại những công cụ và giải pháp kỹ thuật số (công cụ bán hàng online) tốt nhất cho các cửa hàng, doanh nghiệp nhỏ, hay đơn giản là những người mong muốn đạt được thành tựu trên không gian mạng nhưng cần sự giúp đỡ.